Xác ướp Ai Cập chứa phôi thai

Xác ướp Ai Cập chứa phôi thai

Một nhóm chuyên gia phân tích xác ướp của thiếu nữ chết khi sinh con ở Ai Cập cổ đại, hé lộ người mẹ trẻ qua đời trong quá trình đẻ cặp sinh đôi. Quá trình sinh nở kết thúc đáng buồn khi đầu của em bé thứ nhất mắc kẹt trong cổ tử cung, dẫn tới cái chết của cả hai đứa trẻ và người mẹ. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Osteoarchaeology,IFL Sciencehôm 26/12 đưa tin.

Xác ướp Ai Cập chứa phôi thai

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Francine Margolis ở khoa Nhân chủng học, Đại học George Washington, suy đoán cô gái chết ở độ tuổi 14 – 17 tuổi. Xác ướp của cô gái được khai quật vào năm 1908 tại nghĩa trang El Bagawat trên bán đảo Kharga, Ai Cập. Ghi chép thực địa khi đó cho biết thi thể cô gái được tìm thấy với phôi thai và nhau thai giữa hai chân, dẫn tới kết luận người mẹ trẻ chết do biến chứng sinh sản.
Kiểm tra lại xác ướp sau hơn một thế kỷ, Margolis và cộng sự tiến hành chụp cắt lớp vi tính (CT) thi thể để xác định chính xác nguyên nhân tử vong. Điều gây bất ngờ cho họ là ảnh chụp hé lộ sự tồn tại của phôi thai thứ hai bên trong khoang ngực của người phụ nữ, chứng tỏ cô mang thai đôi. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy đứa trẻ đặt giữa hai chân người phụ nữ bị thiếu phần đầu. Khi kiểm tra kỹ hơn, họ nhận thấy đầu đứa trẻ bị mắc trong khung chậu của người mẹ. Cách giải thích khả thi nhất cho trường hợp này là em bé bị sinh ngược, tức là phần chân ra trước thay vì phần đầu. Ở tư thế đó, cơ thể đứa trẻ khó ra qua cổ tử cung hơn, thậm chí mắc kẹt.
Đối với phôi thai thứ hai, các nhà nghiên cứu nghi ngờ người ướp xác có thể không biết cô gái mang thai đôi, do đó không lấy ra khỏi cơ thể người mẹ trước khi ướp xác. Khi cơ hoành của xác ướp phân hủy, phôi thai chưa chào đời có thể dịch chuyển từ tử cung lên khoang ngực.
“Kết quả kiểm tra người mẹ và phôi thai song sinh xác nhận lại mức độ nguy hiểm của quá trình sinh nở, đặc biệt ở thời cổ đại”, nhóm nghiên cứu kết luận. Đặc biệt, sinh đôi là điều không mong muốn trong xã hội Ai Cập xa xưa, thường gắn liền với bùa chú và lời nguyền.
An Khang(TheoIFL Science)

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.