‘Lão nông’ sẵn sàng chia sẻ bí quyết nuôi tôm cho nhân viên

‘Lão nông’ sẵn sàng chia sẻ bí quyết nuôi tôm cho nhân viên
-Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề nuôi tôm?

'Lão nông' sẵn sàng chia sẻ bí quyết nuôi tôm cho nhân viên

– Năm 2010, tôi bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh với diện tích 8,2 ha. Lúc đó chập chững bước vào nghề, tôi cũng giống như nhiều người khác, phần lớn phụ thuộc vào trời đất. Qua vài vụ nuôi, các vụ tôm đối mặt với dịch bệnh và ô nhiễm môi trường nước.
Tôi tìm kiếm thông tin, học hỏi và thay đổi dần kỹ thuật nuôi trồng. Ban đầu tôi sử dụng công nghệ xử lý và lắng đọng nước trước khi nuôi, kế đó là xử lý an toàn khi đưa ra ngoài để đảm bảo môi trường. Nhờ công nghệ Semi – Biofloc giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng, lọc nước… trong ao nuôi, đảm bảo an toàn với mức độ cao. Hiện tôi có 3 ha ao nuôi áp dụng công nghệ này, gắn hệ thống đèn LED trong các ao nuôi, thiết lập hệ thống máy móc hỗ trợ và 5 ha nuôi bán thâm canh.
– Việc ap dụng công nghệ mới tạo ra hiệu quả ra sao?
– Công nghệ này giúp người nuôi điều chỉnh được các vấn đề trong quá trình nuôi để giảm thiểu dịch bệnh và ô nhiễm, giúp tôm phát triển và khả năng thành công cao hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ phải đi kèm với người nuôi phải am hiểu kỹ thuật, kết hợp kinh nghiệm với nhiều yếu tố khác.
Riêng bản thân tôi, với quy mô diện tích lớn như thế này, tôi thuê nhiều kỹ sư có chuyên môn cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đánh giá, rà soát ở các hồ. Họ có kỹ thuật, am hiểu công nghệ để triển khai, đồng thời bản thân tôi cũng phải tìm tòi, trau dồi nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm tích luỹ nhiều năm qua thì mới thành công được. Điều quan trọng nhất là tôi kết hợp nhiều yếu tố để đảm bảo độ thành công ở mức cao nhất.
– Quá trình nuôi tôm của ông có gặp các khó khăn?
– Đến lúc này tôi có 13 năm gắn bó với nghề nuôi tôm. Để có được thành quả như hôm nay, tôi cũng trải qua nhiều thất bại. Năm 2016, tôi bắt đầu chuyển đổi dần các ao nuôi sang công nghệ Semi – Biofloc. Sự chuyển đổi bắt đầu do ô nhiễm nguồn nước nuôi và dịch bệnh trong giai đoạn 2015-2016. Từ khi áp dụng công nghệ mới, việc nuôi mới đạt được sự ổn định.
Tuy nhiên, năm 2022, tôi gặp thất bại do các ao nuôi bằng công nghệ mới lẫn ao nuôi bán thâm canh đều bị nhiễm EHP, tôm bỏ ăn trong vòng một tuần rồi chết hàng loạt, lỗ gần 5 tỷ đồng.
Nguyên nhân xuất hiện bệnh EHP là mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào qua hoạt động vận chuyển từ bên ngoài và khu nuôi. Hiện toàn bộ ao, tôi lắp đặt hệ thống camera giám sát, khử khuẩn, hạn chế tối đa các tác nhân bên ngoài. Chính vì vậy, dù áp dụng công nghệ mới những rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn, nên người nuôi tránh chủ quan và việc nuôi tôm phải tỉ mỉ từng khâu.
– Ông làm gì để khuyến khích nhân viên gắn bó với công việc này?
– Công ty hiện có 35 lao động, chủ yếu là người dân địa phương. Các lao động được trả lương cứng khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng và có đi kèm chế độ ăn ở, sinh hoạt và một số phụ cấp khác.
Ngoài ra, tôi còn chia sẻ lợi nhuận với nhân viên trên từng ao nuôi. Cụ thể, mỗi ao tôm sau mỗi vụ nuôi tôi trích 5% lợi nhuận chia lại cho từng nhân viên. Tôi làm điều này để khích lệ nhân viên, giúp cho họ có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc tôm.
Nếu tỷ lệ tôm đạt yêu cầu cao (18-25 con có trọng lượng 1 kg), lợi nhuận thu về tốt, người phụ trách các ao tôm này sẽ được nhận nhiều hơn. Mọi thông tin đầu tư, lời lỗ của công ty đều được công khai đến mọi người.
Chính vì vậy, người lao động coi ao tôm là nơi thân thiết. Nên tôi yên tâm khi giao hồ tôm cho các nhân viên quản lý. Ở góc độ tình cảm, mình đảm bảo cả lợi ích vật chất, sống với anh em chân thành thì sẽ nhận được nhiều hơn là “lỗ”.
– Tại sao ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nhân viên cũng như động viên họ khởi nghiệp?
– Tôi vốn làm nghề đóng tàu biển và kinh doanh xăng dầu, từng có giai đoạn làm ăn cực thịnh. Nhưng vì nhiều lý do, gia đình tôi vướng vào cảnh thua lỗ, mất hết tài sản ở tuổi 50. Ở tuổi đó rất khó để gượng dậy. Nhưng trời thương và người thương, gia đình ủng hộ nên tôi vẫn vực lại được kinh tế.
Càng lớn tuổi, càng hiểu và tiếp xúc nhiều, tôi thấy rằng bản thân phải có trách nhiệm và chủ động chia sẻ lợi ích với nhau thì phát triển mới bền vững. Khi chuyển hướng nuôi tôm tôi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người nên khi thành công, không có lý gì tôi lại giữ riêng cho mình, ai có nhu cầu học hỏi tôi chỉ hết, cặn kẽ từng ly từng tý.
Nhiều nhân viên khi làm việc đủ lâu, nhận thấy năng lực của họ, tôi đều khuyến khích họ mạnh dạn ra làm riêng, cần hỗ trợ gì thì tôi giúp. Như là trả nghĩa với đời và tôi thấy mình rất hạnh phúc.
Ông Nguyễn Ngọc Châu hiện Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Châu. Năm 2018, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào Người cao tuổi làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012-2017, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.